Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

Từ chủ chợ đến chủ ngân hàng

Từ chủ chợ đến chủ ngân hàng

Nếu đi tìm một nhân vật điển hình trên thương trường ở một nền kinh tế đang phát triển, được hiểu theo nghĩa biết cách tận dụng các mối quan hệ, chớp thời cơ để vươn lên trở thành một doanh nhân có khối tài sản lớn, không thể bỏ qua Trần Anh Tuấn – ông chủ của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank-MSB).


Trong giới kinh doanh có máu mặt tại Hà Nội vẫn lưu truyền câu chuyện về một người đàn ông có bằng cấp hẳn hoi, học địa chất ở Nga (Liên Xô cũ) về nước, bắt tay vào kinh doanh khi đất nước bắt đầu mở cửa. Người đàn ông ấy, thậm chí theo những thông tin chưa chính thức, đã từng có thời kỳ thắng thầu rồi làm chủ một khu chợ khá có tiếng ở Hà Nội. Đó là chợ Thượng Đình thời trước. Có lẽ vì thế mà biệt danh Tuấn "chợ" đã được gắn với người hiện nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) MSB, Trần Anh Tuấn, từ thời đó.


Khởi nghiệp


Theo lý lịch chuyên môn, ông Trần Anh Tuấn có bằng Cử nhân khoa học địa chất của Học viện Địa chất Quốc gia Mátxcơva và sau này bổ sung thêm tấm bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Đại học Griggs, Mỹ. Cũng giống như một số đại gia khác ở Việt Nam hiện nay, ông đã từng học tập và làm ăn tại Nga 10 năm trước khi trở về nước vào năm 1996 để tham gia kinh doanh và đầu tư khi khái niệm kinh tế tư nhân còn lạ lẫm.


Sau khi về nước năm 1996, ông Tuấn nắm vai trò lãnh đạo tại CTCP Nam Thắng và Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group) từ đó cho đến nay. Cần nói thêm rằng, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, một nữ doanh nhân có tiếng ở Hà Nội và khu vực phía Bắc, đại biểu Quốc hội, là vợ ông Tuấn, hiện đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của VID Group từ năm 2006.


Theo thông tin mà Doanh Nhân có được thì bà Hường cùng độ tuổi với ông Tuấn, từng là học sinh giỏi quốc tế môn tiếng Nga, cũng học tại Liên Xô cùng thời gian với ông Tuấn. Bà Hường khởi nghiệp năm 1996 với vị trí khởi đầu là kế toán viên của CTCP Nam Thắng, chuyên sản xuất giày da xuất khẩu. Không lâu sau đó, bà được tiến cử lên chức Phó Tổng giám đốc điều hành sản xuất công ty này.


Năm 2007, VID Group mua cổ phần chi phối tại Maritime Bank và ông Trần Anh Tuấn được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng này. Tháng 10/2008, ông trở thành Tổng Giám đốc Maritime Bank. Tới đầu năm 2012, ông đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Maritime Bank, sau khi ngân hàng bổ nhiệm ông Atul Malik làm Tổng Giám đốc.


Theo báo cáo tài chính năm 2007, Maritime Bank đã tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 1.500 tỷ. Nếu như phần chênh lệch 800 tỷ đồng là khoản đầu tư của VID thì tỉ lệ sở hữu của VID tại thời điểm đó là 83%. Và như vậy tổng số tiền mà VID đầu tư vào Maritime Bank là 980 tỷ đồng, bao gồm cả phần thặng dư vốn góp. VID Group tham gia và có nhiều nhân sự giữ các vị trí chủ chốt trong MSB từ năm 2007, khi ngân hàng này tiến hành tái cơ cấu sau vụ nguyên Tổng Giám đốc Thái Thị Thanh Liên lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tham ô.


Trở thành thuyền trưởng MSB


Sau hơn 20 năm kể từ ngày thành lập (năm 1991), MSB đã tăng vốn điều lệ từ mức 40 tỷ đồng ban đầu lên mức hơn 8.000 tỷ đồng hiện nay. Đã có thời điểm trước khi trở thành ngân hàng đại chúng vào năm 2006, nhóm cổ đông do Vinalines đứng đầu nắm đến 23,33% vốn của MSB, bao gồm Vinalines, GMD và VOS.


Nhóm này lúc đó chiếm tỉ lệ cao nhất trong cơ cấu sở hữu của MSB. Cổ đông lớn thứ hai của MSB là VNPT với 21,33%. Tuy nhiên, mối lương duyên giữa MSB và Vinalines đã không còn trọn vẹn kể từ khi tập đoàn nhà nước này dính líu vào hàng loạt bê bối. Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của Vinalines trong giai đoạn 2005-2010.


Bên cạnh đó, nhiều công ty con của Vinalines hoạt động thua lỗ, nhiều lãnh đạo dính vào hành vi tham ô tài sản. Khi những thông tin này tràn ngập khắp các mặt báo ngay lập tức MSB lên tiếng khẳng định: Vinalines hiện chỉ là cổ đông nhỏ (tháng 5/2012), chỉ chiếm hơn 1% cổ phần và gần nửa thập kỷ nay không giữ bất cứ vai trò gì trong việc quản trị và điều hành ngân hàng này.


Giai đoạn tái cơ cấu MSB diễn ra trùng hợp với sự xuất hiện của VID Group dưới quyền sở hữu của vợ chồng ông Tuấn. Có vẻ như những lùm xùm gắn với cái tên "Hàng hải" đã khiến ban lãnh đạo ngân hàng quyết định thay đổi bộ nhận diện thương hiệu từ năm 2010, "chia tay" màu xanh nước biển đã gắn liền với tên tuổi của MSB trong một quãng thời gian dài, do lo ngại khách hàng không yên tâm.


Nhóm cổ đông mới xuất hiện và lập tức nắm giữ vị trí then chốt tại MSB sau các cuộc thâu tóm. Ngay tại ĐHĐCĐ thường niên đầu tiên khi trở thành ngân hàng đại chúng, ông Trần Anh Tuấn (khi đó còn là Tổng Giám đốc VID Group) đã lọt vào HĐQT nhiệm kỳ 2007-2011 và giữ chức danh Phó Chủ tịch MSB, dù trước đó quản lý ngân hàng vẫn còn là một điều xa lạ đối với ông. Từ tháng 10/2008, ông kiêm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc và đảm nhiệm vị trí đó cho đến khi trúng cử Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2012-2016.


Thế còn VID Group là ai? Năm 2006, tập đoàn này chính thức được thành lập với 6 thành viên. Từ năm 2006 đến nay, số thành viên trong VID Group phát triển lên 12 công ty, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, thu hút đầu tư, cung ứng các dịch vụ và thực hiện các dự án bất động sản.


Phạm vi hoạt động của VID Group mở rộng sang 7 tỉnh và thành phố khác nhau của miền Bắc. Doanh nghiệp này đã trở thành một trong những nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp có quy mô và đang là chủ đầu tư và quản lý của 9 khu công nghiệp lớn ở miền Bắc như: Quang Minh, Hà Nội - Đài Tư, Thạch Thất - Quốc Oai (Hà Nội); Tân Trường, Phúc Điền, Nam Sách (Hải Dương); Minh Quang, Cụm Công nghiệp Lifan (Hưng Yên) và Đồng Văn II (Hà Nam).


MSB dưới thời Trần Anh Tuấn


Theo nguồn tin không chính thức trong giới tài chính ngân hàng, dưới "bàn tay sắt" của ông Tuấn, MSB đã thay đổi. Ông đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh để đưa người của Vinalines (vốn nắm cổ phần chi phối tại MSB trước kia) ra khỏi cơ cấu quyền lực tại MSB. Trong những năm qua, ông đã chỉ đạo ngân hàng thực hiện nhiều thay đổi lớn như hệ thống nhận dạng thương hiệu, tăng vốn và mở rộng mạng lưới kinh doanh.


Trong ba năm 2009-2011, doanh thu của MSB đều tăng gấp đôi (4,3 nghìn tỷ đồng năm 2009 lên 8,7 nghìn tỉ năm 2010 và 15,5 nghìn tỷ năm 2011). Tổng tài sản cũng tăng từ 64 nghìn tỷ đồng lên 114 nghìn tỷ đồng.


Nhưng cũng giống như nhiều ngân hàng khác ở Việt Nam, MSB cũng là nạn nhân của tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay. Có thông tin cho biết, các khoản nợ xấu của ngân hàng này trong lĩnh vực bất động sản cũng "kha khá". (Các báo cáo tài chính của MSB gần như không thể hiện chi tiết nào liên quan đến nợ xấu.


Điều này cũng không khó hiểu vì MSB là ngân hàng chưa niêm yết). Điển hình là khoản nợ xấu tại MSB do ngân hàng cho chủ đầu tư của dự án tòa nhà Sky City, 88 Láng Hạ, Hà Nội là Công ty TNHH Hanotex vay để phát triển dự án này. Hội sở của Maritime Bank tại tòa nhà Sky City hiện nay chính là khoản cấn trừ vào nợ vay của Hanotex.


Theo dữ liệu từ báo cáo tài chính của MSB và tính toán sơ bộ, các khoản cho vay khách hàng là 27.409 tỷ đồng, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng là 733 tỷ đồng. Từ đây có thể suy ra tỉ lệ nợ xấu vào khoảng 2,67%, gần giống với tỉ lệ 2,71% mà ban lãnh đạo MSB đưa ra. (Cách tính nợ xấu theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN).


Trong một phát biểu với báo giới, ông Đào Trọng Khanh, Phó Chủ tịch HĐQT MSB cho biết, tỉ lệ nợ xấu thực tế của ngân hàng cao hơn báo cáo nhưng thấp hơn toàn ngành và nằm trong xu hướng tăng nợ xấu chung của ngành.


Vào tháng 10/2013, theo một bài báo đăng trên trang thông tin điện tử Vietstock, Maritime Bank "chuẩn bị ký hợp đồng" bán khoảng 500 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Chi tiết về tình trạng của giao dịch này không rõ hiện nay ra sao, nhưng nó cũng lý giải một phần phát biểu của ông Khanh, theo đó "nợ xấu thực tế ngân hàng cao hơn báo cáo". Nghĩa là, ngân hàng đã đẩy bớt được nợ xấu ra khỏi báo cáo tài chính bằng cách chuyển thành mục khác trên báo cáo tài chính.


Con tàu MSB đang đi chậm lại


Theo báo cáo kết quả hoạt động, năm 2013, Maritime Bank đạt tổng tài sản hơn 107 nghìn tỷ đồng, tín dụng tăng trưởng 10,8%, huy động vốn tăng 10,4% so với 2012, lợi nhuận trước thuế 401 tỷ đồng và nợ xấu là 2,71% trên tổng dư nợ.


Trong giai đoạn 2007-2013, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của doanh thu (CAGR) đạt 29%, tổng tài sản đạt 29%, trong đó vốn chủ sở hữu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 31%/năm. Tuy nhiên, thực chất con đường tăng trưởng này không phải lúc nào cũng thuận lợi, thậm chí có dấu hiệu đang đi xuống giống như nhiều ngân hàng khác.


Lợi nhuận sau thuế năm 2012 của Maritime Bank sụt giảm rất mạnh, xuống còn 226 tỷ đồng so với mức 797 tỷ đồng của năm 2011. Một phần lí do của sự trồi sụt này, theo giải thích của lãnh đạo Maritime Bank, do 2012 là năm họ chú trọng vào việc bảo đảm tỉ lệ an toàn hoạt động, tăng cường năng lực quản trị điều hành, triển khai các mô hình kinh doanh theo định hướng chiến lược và tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức để tạo sự khác biệt.


Một trong những dấu ấn của Trần Anh Tuấn là các quyết định nhân sự, trong đó phải kể đến việc ngân hàng bổ nhiệm ông Atul Malik, một CEO ngoại kể từ tháng 3/2012. Đây là chuyên gia tài chính kỳ cựu đã từng làm việc hơn 25 năm cho các tổ chức tài chính quốc tế như Citibank và Deutsch Bank.


Cùng với Techcombank, Maritime Bank là ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam bổ nhiệm CEO là người nước ngoài. Tuy nhiên, trong khi Techcombank đã chia tay CEO ngoại, Mekong Bank sắp "về chung mái nhà", Maritime Bank vẫn là ngân hàng duy nhất tiếp tục đặt niềm tin vào CEO ngoại.


Nhưng theo nhiều chuyên gia về quản trị, yếu tố gia đình trong một ngân hàng tư nhân có thể là một trở ngại lớn cho việc phát huy khả năng điều hành của CEO nước ngoài. Gia đình là yếu tố giữ một vị trí quan trọng trong cơ chế quản trị của nhiều ngân hàng hay doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay, cho dù các ông/bà chủ thường không muốn nhắc đến.


Theo Cẩm nang của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) về Quản trị doanh nghiệp gia đình, khi doanh nghiệp gia đình vẫn còn trong giai đoạn sáng lập đầu tiên, sẽ có rất ít vấn đề về quản trị bộc lộ. Lý do là hầu hết các quyết định đều do các cổ đông sáng lập đưa ra, tiếng nói của gia đình vẫn thống nhất.


Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đi vào các giai đoạn sau trong vòng đời, sẽ xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau về cách điều hành và định hướng chiến lược của doanh nghiệp. Sự khác biệt trong cách quản trị còn lớn hơn nữa nếu doanh nghiệp thuê CEO nước ngoài về điều hành.


Đó là lý do các ông chủ khó có thể đặt niềm tin tuyệt đối vào người mình thuê về, dù người này tài giỏi tới đâu. Atul Malik ở MSB cũng không là ngoại lệ. Thực tế thì ở MSB người ta rất ít khi nghe nói đến vai trò của vị CEO này trong các quyết định then chốt của ngân hàng.


Trong nỗ lực cải tổ hoạt động của mình, MSB đã trở thành ngân hàng cổ phần mạnh tay nhất trong việc cắt giảm nhân sự. Tại thời điểm cuối 2013, ngân hàng có tổng cộng 3.536 nhân sự, giảm 1.343 người so với cuối năm 2012.


Việc giảm gần 1.350 nhân sự chỉ sau một năm đồng nghĩa với việc ngân hàng hoàn thành gấp đôi việc sa thải so với kế hoạch được ĐHĐCĐ 2013 thông qua trước đó. Năm 2012, ngân hàng này cũng đã cắt giảm 1.060 nhân sự. Hiện chưa rõ việc cắt giảm nhân viên ồ ạt như vậy có ảnh hưởng tới tham vọng gia nhập top 5 ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam của MSB hay không, nhưng có một điều chắc chắn rằng, những khó khăn trong kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam trong những năm gần đây đã buộc MSB phải đưa ra quyết định này.


Tham vọng lai dắt thêm con tàu Mekong Bank


Trên thực tế, Ngân hàng Mekong Bank (MDB) không phải xa lạ gì đối với Maritime Bank. Theo dữ liệu tại báo cáo thường niên năm 2012 của MDB, Maritime Bank là cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 10,16%.


Ngoài ra, tính đến cuối năm 2013, Maritime Bank và Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản Maritime Bank có ủy thác đầu tư hơn 760 tỷ đồng tại CTCP Quản lý Quỹ Tín Phát (TPF), trong đó, 282 tỉ đồng đầu tư vào MDB. Trong năm 2013, kết quả hoạt động kinh doanh của MDB giảm khá mạnh so với năm 2012.


Cụ thể, lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 63,5 tỷ đồng, giảm 45%. Tổng tài sản tới cuối năm còn 6.437 tỷ đồng, giảm 25%. Tỉ lệ nợ xấu là 2,65%, tăng so với 2,56% cuối năm 2012. Huy động khách hàng tăng 15,89%, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 5,45%. Để chuẩn bị cho việc sáp nhập này, MDB đã đề cử 4 ứng viên đến từ Maritime Bank hoặc có liên quan tới Maritime Bank để bầu bổ sung tại Đại hội đồng cổ đông năm 2014 của MDB được tổ chức vào ngày 15/4.


Mekong Bank là ngân hàng có mạng lưới hoạt động chủ yếu tại đồng bằng sông Cửu Long trong khi Maritime Bank đi lên từ Hà Nội. Về lý thuyết, việc sáp nhập MDB sẽ giúp MSB tăng quy mô về số điểm giao dịch và tiếp cận được những thị trường mới mà trước đây chưa được phủ sóng. Đây có thể coi là một giá trị cộng hưởng rõ nét nhất trong thương vụ M&A này. Nhưng rủi ro có thể lớn với MSB bởi họ sẽ phải cõng một khoản nợ xấu không nhỏ của MDB.


Có thể nói, Trần Anh Tuấn đã và đang hiện thực hóa nhiều mục tiêu quan trọng trong kinh doanh của mình. Ông và các cộng sự của ông còn phải nỗ lực rất nhiều để tên ông và ngân hàng của ông lọt được vào nhóm những doanh nhân/doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẦM DỰ TIỆC CAO CẤP

đầm dự tiệc - dạo phố xinh xắn

đầm dự tiệc - dạo phố xinh xắn
MSP : II.DP.05a

Giá bán : 600.000 VND
đầm dự tiệc - dạo phố xinh xắn

đầm dự tiệc - dạo phố xinh xắn
MSP : II.DP.04c

Giá bán : 680.000 VND
đầm dạo phố- đầm công sở

đầm dạo phố- đầm công sở
MSP : I.DP.11

Giá bán : 600.000 VND
đầm dự tiệc hoặc công sở

đầm dự tiệc hoặc công sở
MSP : I.DP.10

Giá bán : 650.000 VND
đầm dự tiệc - dạo phố xinh xắn

đầm dự tiệc - dạo phố xinh xắn
MSP : I.DP.09

Giá bán : 680.000 VND
đầm dự tiệc - dạo phố xinh xắn

đầm dự tiệc - dạo phố xinh xắn
MSP : I.DP.08

Giá bán : 680.000 VND
đầm dự tiệc - dạo phố xinh xắn

đầm dự tiệc - dạo phố xinh xắn
MSP : I.DP.06a

Giá bán : 800.000 VND
I.DP.06

I.DP.06

Giá bán : 800.000 VND
đầm dự tiệc - dạo phố xinh xắn

đầm dự tiệc - dạo phố xinh xắn
MSP : I.DP.05a

Giá bán : 800.000 VND